Thành quả và triển vọng phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc
Với việc các đường bay quốc tế đến Việt Nam được khôi phục đã mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp. Một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện đã góp phần bổ sung nguồn cung mới cho phân khúc này.
Đầu tư FDI từ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với khả năng lan tỏa của nó đối với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như sản xuất, xây dựng, bất động sản, du lịch, tài chính ngân hàng….
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã trở thành chủ đề “nóng”, được bàn luận nhiều nhất ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Kể từ tháng 4/2021, Việt Nam đón nhận đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan, truyền nhiễm trên diện rộng, gây hậu quả nặng nề cho xã hội với hơn hàng triệu người bị nhiễm, hơn 40 nghìn người tử vong vì dịch bệnh.
Kinh tế Việt Nam phải trải qua giai đoạn chao đảo, nhiều ngành kinh tế và các chuỗi sản xuất đứng trước nguy cơ bị đứt gãy, đình trệ. Các dự án phát triển bị chậm trễ trong việc tiến hành các thủ tục đầu tư hoặc đình đốn trong hoạt động triển khai xây dựng. Đồng thời do phải giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh/thành phố trên cả nước đã khiến thị trường giao dịch bất động sản có giai đoạn phải ngưng trệ, dừng lặng, ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì GDP của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao của Việt Nam, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ (ERDP) cùng với sự phối thay đổi áp dụng thêm các phương thức mới để thích ứng với tình hình mới của các doanh nghiệp.
Hơn nữa nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), sự đồng hành quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Đây là điều kiện tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì vậy ở trong bài viết này từ góc độ của một người làm tư vấn đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cho các tập đoàn trong nước cũng như các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, tác giả sẽ cung cấp cái nhìn khái quát nhất về thị trường hiện tại, những thành quả và triển vọng mà các nhà đầu tư Hàn Quốc cần biết khi đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Tổng quan đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam và thành quả đã đạt được
Thông tin mới nhất từ Bộ KH&ĐT, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 78,6 tỉ USD (chiếm 18,5%) lũy kế đến hết tháng 12/2021. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistic, xây dựng… Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021 với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều năm đạt 78,1 tỉ USD.
Trong 3 năm liên tiếp 2019-2021, bao gồm cả thời gian trong đại dịch Covid-19, Hàn Quốc đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, tỷ lệ vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2022 là 1,4 tỷ USD chiếm 28,2% mặc dù đứng sau Singapore 1,7 tỷ USD và bị giảm 12% so với cùng kỳ nhưng xét về số lượng dự án mới, Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đứng đầu về số lượt góp vốn, mua cổ phần, với 1.626 lượt trong 10 tháng qua.
Xét về mặt địa lý, vốn FDI Hàn Quốc hiện tập trung lớn nhất Bắc Ninh với 10,12 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn FDI Hàn Quốc đăng ký vào Việt Nam còn hiệu lực). Xếp thứ 2 là Thái Nguyên với 7,28 tỷ USD (chiếm 11,6%) và thứ 3 là Hải Phòng với 6,82 tỷ USD (chiếm 10,9%).
FDI Hàn Quốc ở một số địa phương mặc dù không nằm trong top các tỉnh, thành thu hút dòng tiền lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc nhất, nhưng lại có một số dự án cá biệt có quy mô vốn bình quân lớn như tại: Đăk Nông, Ninh Thuận, Yên Bái và Hải Phòng.
Tập đoàn Samsung hiện đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, Samsung Việt Nam cho biết đã giải ngân 94% trong tổng số vốn đăng ký với Chính phủ Việt Nam tương đương 17,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn này có 3 cơ sở ở Việt Nam là Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM, trong đó cơ sở ở Thái Nguyên là nhà máy rộng nhất với 60.000 công nhân.
Có thể kể ra một số dự án tiêu biểu khác của Hàn Quốc vào Việt Nam như Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD (năm 2019). Ngoài ra, Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD. Dự án này được khởi công vào tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 1,5 tỷ USD do Tập đoàn LG Displays làm chủ đầu tư.

Đơn cử tại Hà Nội, theo nghiên cứu của Tiến sỹ Hyung Min Kim – Đại học Melbourne, Australia chỉ ra rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc thông qua việc phát triển các dự án bất động sản nhà ở tạo ra sự thay đổi lớn về thị trường bất động sản tại Hà Nội.
Điểm lại trong dòng chảy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trong 3 thập kỷ gần đây, có thể kể đến dự án nổi bật như dự án Khu đô thị Splendora với vốn đầu tư 200 triệu USD do Công ty xây dựng POSCO Construction của Hàn Quốc hợp tác với một doanh nghiệp xây dựng nhà nước lớn nhất Việt Nam phát triển vào năm 2006 ở khu vực phía Tây, Hà Nội. Dự án cung cấp các căn hộ chung cư cao tầng, biệt thự, nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại và siêu thị với sức chứa 25.000 – 30.000 cư dân trên diện tích đất 264 hec-ta.
Cũng trong năm 2006, Daewoo Engineering & Construction phát triển Dự án Starlake xây dựng khu đô thị rộng hơn 186 hec-ta tại quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, với sức chứa 24.000 người, bao gồm trường học quốc tế, văn phòng, tổ hợp công trình văn hóa (triển lãm, trưng bày, điện ảnh và thời trang). Đại sứ quán Hàn Quốc đã chuyển đến địa điểm này năm 2019. Starlake vô cùng nổi bật và thành công cho thấy sự cam kết và tầm nhìn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là đối với khu vực BĐS phía Tây, Hà Nội.
Theo một nghiên cứu của Savills, khu vực phía Tây, Hà Nội chiếm 59% tỷ trọng thị trường BĐS trong năm 2021, 2022. Trong năm 2007, khoản đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc vào thị trường BĐS Hà Nội do Keangnam Construction phát triển với số vốn FDI đăng ký là 1,12 tỷ USD.
Qua những báo cáo nhận định trên có thể thấy rằng, Hàn Quốc đã thực sự trở thành đối tác đầu tư quan trọng chiến lược của Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc, điện tử, hạ tầng, logistic, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, ô tô, bất động sản đến tài chính ngân hàng..v..v.. Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển, tạo việc làm cho trên 700,000 lao động ở nhiều địa phương.
Điểm lại toàn bộ quá trình trong 30 năm qua, các giai đoạn của dòng vốn Hàn Quốc gồm:
● Giai đoạn 1 gắn với các dự án đầu tư lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử.
● Giai đoạn 2 sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp. Các công ty Hàn Quốc hiện đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam, ví dụ: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD, vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán… với tổng đầu tư lên tới hàng tỉ USD.
● Giai đoạn 3 sẽ thu hút không chỉ các nhà đầu tư lớn mà còn các nhà đầu tư vừa và nhỏ tham gia trực tiếp đầu tư vào các dự án tại Việt Nam khi Chính phủ liên tục ban hành các chính sách ưu đãi về môi trường đầu tư, về thuế để thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài. Sự xuất hiện các công ty tập đoàn lớn, vừa và nhỏ của Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong các lĩnh vực đã góp phần phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhờ việc mở rộng mạng lưới đối tác đến từ Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Triển vọng phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam
Việt Nam đã và đang thực thi cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11/2020.
Các hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt nam nói chung và cơ hội tạo sự bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam. Đặc biệt sự xuất hiện các tập đoàn lớn, các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng mạng lưới đối tác đến từ Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Cùng với hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc vẫn đạt 66 tỷ USD, chiếm 12,85% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với năm 2020. Hai nước phấn đấu đạt mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023 và và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Về phía mình, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đánh giá rất cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước luôn đồng hành tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nhất là trong thời gian qua khi dịch bệnh hoành hành tại các tỉnh thành phía Nam.
Thông qua những buổi gặp mặt, đối thoại với chính quyền, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có hướng dẫn cách giải quyết nhanh chóng bảo đảm an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kang Myeong IL – Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. Hổ Chí Minh cho biết, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào TP Hổ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tăng lên bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch, bởi xét về bối cảnh địa lý kinh tế học, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dẫn đến sự phân tách kinh tế, phát sinh hiện tượng các nhà đầu tư di dời nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba, Việt Nam đã gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN sản xuất và đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Âu và châu Á và Việt Nam là quốc gia trọng điểm để các nhà đầu tư di dời nhà máy sản xuất.
Để củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho rằng chính sách chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, mang lại những hiệu quả tích cực. Để chuẩn bị cho hoạt động kết nối đầu tư hiệu quả, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có kế hoạch tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư – thương mại – công nghệ tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6/2022. Hiện đã có 50 doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký sang TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội giao thương. Hội nghị trên chính là bước quan trọng sắp tới Việt nam và Hàn Quốc sẽ hướng tới kỉ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1992- 2022). Tác giả cũng tin tưởng rằng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước là dịp quan trong để chúng ta cùng chúc mừng sự thành công sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật… và cũng là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam gặp gỡ trao đổi tìm kiếm cơ hội cũng như phương hướng phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo.