Tiềm năng đầu tư vào Đà Nẵng của các doanh nghiệp Hàn Quốc
Xác định đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nên TP Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường quan trọng để thu hút làn sóng đầu tư; tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên […]
Xác định đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nên TP Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường quan trọng để thu hút làn sóng đầu tư; tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến.
Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022” nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP Đà Nẵng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh khi mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm thành phố đang kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp Hàn Quốc có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao – những ngành kinh tế mũi nhọn mà TP Đà Nẵng định hướng phát triển.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Chí Công, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) – TGĐ SB Invest về tiềm năng đầu tư vào Đà Nẵng của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

– Là một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tình hình đầu tư FDI của các doanh nghiệp Hàn quốc tại TP Đà Nẵng?
Ông Đỗ Chí Công: Tính đến tháng 11/2021, Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số dự án và vốn đầu tư cao nhất vào Đà Nẵng với 233 dự án. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư mới đạt khoảng 378 triệu USD. Tôi cho rằng, đây là một con số vẫn còn quá khiêm tốn nếu so với tổng vốn đầu tư của các DN Hàn Quốc vào một số địa phương khác tại miền Bắc (ví dụ Bắc Ninh khoảng 10 tỷ USD; Hải Phòng 9,5 tỷ USD; Thái Nguyên khoảng 8,5 tỷ USD; Bắc Giang khoảng 1,4 tỷ USD…). Điều đó chưa phản ánh đúng tiềm năng và thực lực của Đà Nẵng nhưng đồng thời cũng như mở ra dư địa, triển vọng rất lớn cho các DN Hàn Quốc đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian sắp tới.
-Theo quan điểm của ông thì lĩnh vực nào sẽ là thế mạnh lớn nhất của các Doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Đà Nẵng?
Ông Đỗ Chí Công: Tôi rất đồng quan điểm với Lãnh đạo TP Đà Nẵng khi xác định Hàn Quốc đã và đang là đối tác quan trọng hàng đầu về đầu tư trong lĩnh vực ICT vào Đà Nẵng. Hàn Quốc nổi tiếng là trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu thế giới, đứng đầu trong Chỉ số các quốc gia đổi mới nhất năm 2021 với cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, có các công ty nổi tiếng như Samsung, LG, SK Hynix, Naver… và đi đầu trong việc đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ sáng tạo như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nn ninh mạng.
Ở chiều ngược lại, Đà Nẵng tự hào là một trong những thành phố đi đầu cả nước trong lĩnh vực ICT và 12 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng Việt Nam ICT. Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế – xã hội hai năm qua nhưng ngành ICT Đà Nẵng vẫn phát triển, tổng doanh thu vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu toàn ngành ICT thu về 2,34 tỷ USD, đóng góp 10% vào tổng GRDP của thành phố và đến năm 2030, doanh thu ICT sẽ đóng góp 15% vào tổng GRDP của thành phố.
Chính vì vậy việc xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật khi đầu tư vào lĩnh vực ICT tại Đà Nẵng là việc hết sức đúng đắn.
– Theo ông, ngoài lĩnh vực ICT thì các DN Hàn Quốc còn có thể có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực nào khác tại Đà Nẵng? Và Đà Nẵng cần có những chính sách phát triển như thế nào để thu hút các DN Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực đó?
Ông Đỗ Chí Công: Tôi cho rằng sau ICT thì lĩnh vực thu hút các DN Hàn Quốc nhất cũng như có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển nhất chính là lĩnh vực thương mại và du lịch (ví dụ như phát triển sân golf xanh phát triển bền vững; phát triển du lịch nghỉ dưỡng giảm thiểu cacbon và thân thiện môi trường…).
Trước khi dịch COVID-19 nổ ra, tổng số chuyến bay Hàn Quốc đến Đà Nẵng là 214 chuyến/tháng. Năm 2020, du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đạt gần 1 triệu lượt, chiếm tỷ lệ khoảng 50% trong tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng. Thực tế, ngay khi khởi động đường bay quốc tế từ tháng 3-2022 đến nay, đã có 9 hãng hàng không khai thác đường bay trực tiếp giữa TP Đà Nẵng và các thành phố lớn của Hàn Quốc gồm Incheon, Busan, Daegu, Muan với tần suất 76 chuyến/tuần, tổng lượt khách Hàn Quốc ước đạt 53.660 lượt.
Số khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam chơi golf chiếm số lượng rất lớn. Hàn Quốc là thị trường golf lớn thứ 3 thế giới (hơn 3 triệu golfer tính đến 2021). Đà Nẵng hiện tại mới chỉ có 3 sân golf đang hoạt động, nếu tính cả khu vực Hội An thì con số đó là 5 sân. Đây là con số rất khiêm tốn và không đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là các golfer Hàn Quốc.
Tôi cho rằng Đà Nẵng cần quy hoạch phát triển nhiều sân golf chuyên nghiệp hơn nữa theo hướng phát triển xanh, bền vững cùng các chính sách ưu đãi để tăng sức hấp dẫn đối với du khách Hàn Quốc. Có như vậy mới thu hút được các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng ta cần nhớ rằng tại Hàn Quốc, ngành kinh doanh sân golf là cực kì phát triển với khoảng 700 sân golf và doanh thu ước tính gần 10 tỷ USD.
Trân trọng cám ơn ông!