Kỉ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc, cùng hướng tới tương lai
Trong 30 năm quan hệ hợp tác với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc có những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử Việt Nam . Trong hai năm đại dịch Covid vừa qua, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid […]
Trong 30 năm quan hệ hợp tác với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc có những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử Việt Nam . Trong hai năm đại dịch Covid vừa qua, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid đã phần nào ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Để hiểu thêm về triển vọng phát triển quan hệ giữa Việt Nam- Hàn Quốc nhân kỉ niệm hướng tới 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước ( 22-12-1992 đến 22-12-2022), phóng viên Kinhteplus đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Chí Công, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ( Korcham); thành viên Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ( Eurocharm) ;Tổng Giám đốc SB Invest.
Ông Đỗ Chí Công, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổng Giám đốc SB Invest
1)Cho đến thời điểm này, dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế và thương mại toàn cầu dần phục hồi, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục quan tâm và tìm kiểm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới?
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì GDP của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao của Việt Nam, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ (ERDP) cùng với sự phối thay đổi áp dụng thêm các phương thức mới để thích ứng với tình hình mới của các doanh nghiệp. Hơn nữa nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), sự đồng hành quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Đây là điều kiện tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì vậy từ góc độ của một người làm tư vấn đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cho các tập đoàn trong nước cũng như các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, tôi cho rằng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2025 vẫn còn rất nhiều dư địa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
2)Đầu tư FDI từ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với khả năng lan tỏa đối với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như sản xuất, xây dựng, bất động sản, du lịch, tài chính ngân hàng…
Ông cho rằng sự chuyển hướng dòng chảy đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh mới sau đại dịch Covid 19?
Thông tin mới nhất từ Bộ KH&ĐT, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 78,6 tỉ USD (chiếm 18,5%) lũy kế đến hết tháng 12/2021. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistic, xây dựng… Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021 với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều năm đạt 78,1 tỉ USD.
Trong 3 năm liên tiếp 2019-2021, bao gồm cả thời gian trong đại dịch Covid-19, Hàn Quốc đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, tỷ lệ vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2022 là 1,4 tỷ USD chiếm 28,2% mặc dù đứng sau Singapore 1,7 tỷ USD và bị giảm 12% so với cùng kỳ nhưng xét về số lượng dự án mới, Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc, điện tử, hạ tầng, logistic, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, ô tô, bất động sản đến tài chính ngân hàng..v..v..Tôi cho rằng Hàn Quốc đã thực sự trở thành đối tác đầu tư quan trọng chiến lược của Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam.
3)Sau Hội nghị gặp gỡ 2022 diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tìm được các đối tác đầu tư tại Việt Nam trên những lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, logistic, đóng góp cho sự phát triển Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Qua đó ông có thể dự báo về triển vọng phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam?
Việt Nam đã và đang thực thi cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11/2020. Các hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt nam nói chung và cơ hội tạo sự bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam. Đặc biệt sự xuất hiện các tập đoàn lớn, các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng mạng lưới đối tác đến từ Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với năm 2020. Dự báo thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
4)Với những thành tựu và kết quả hợp tác của hai nước Việt – Hàn suốt 30 năm qua là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia luôn được phát triển bền vững. Qua đó tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Vậy theo ông để mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới thì Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam KorCham cần có phương hướng thế nào trong giai đoạn tiếp theo?
Tôi tin tưởng rằng năm 2022 – năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước là dịp quan trong để chúng ta cùng chúc mừng sự thành công sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật… và cũng là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam gặp gỡ trao đổi tìm kiếm cơ hội cũng như phương hướng phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo. Để chuẩn bị cho hoạt động kết nối đầu tư hiệu quả, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã có kế hoạch tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư – thương mại – công nghệ tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 thu hút hàng trăm doanh nghiệp của cả 2 nước tham gia tìm kiếm cơ hội giao thương. Các hội nghị trên chính là những tiền đề vững chắc góp phần quan trọng để hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1992- 2022).
Vâng, xin cảm ơn ông.
Thùy Chi